Từ chuyện sách giáo khoa, chuyện Thầy Khoa ở Hà Tây, chuyện gian lận thi cử hay chuyện 2.000USD chạy trường chạy lớp cho đến vụ đổi tình lấy điểm làm ầm ĩ suốt thời gian qua... Càng kể càng thấy nhức nhối và chua xót cho thực tế của Giáo dục trong thời gian qua...
- "Hy vọng là thời gian tới Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân sẽ có những biện pháp thay đổi. Ông đã hứa 10 năm nữa Giáo dục Việt nam sẽ có bước tiến dài mà...".
Đáp lời tôi là những câu bình luận tỏ vẻ không tin tưởng và nghi ngờ:
- Xưa rồi diễm...
- Bố nào lên chả lo giữ ghế, đố dám làm mạnh đấy..
- Khi nào mặt trời mọc ở hướng Tây thì họa may mới thay đổi được nhé...
.........
"Khi nào mặt trời mọc ở phía tây...".
Đau xót, phũ phàng vậy sao. Chẳng biết Galile, Copecnich hay các nhà khoa học xưa có biết được rằng phát minh của các ông đang được đưa ra làm cơ sở cho sự mất lòng tin này không??
Còn tôi, tôi không thể nghĩ như vậy bởi xung quanh tôi có biết bao các Thầy Cô tâm huyết với nghề giáo. Ba tôi cũng là một người Thầy mẫu mực; Cô Dung giáo viên chủ nhiệm 12/5 của chúng tôi và biết bao các Thầy Cô khác nữa. Thời đi học của chúng tôi có bao giờ xảy ra những điều nhức nhối như vậy đâu...
Chợt nhớ lại 2 mẩu chuyện đã được đọc đâu đó từ lâu rồi. Có thể tôi không nhớ được chi tiết nhưng nội dung thì chẳng thể nào quên được. "Mặt trời mọc ở hướng Tây..", phải rồi ai bảo là mặt trời không thể mọc ở hướng Tây nào...
Câu chuyện 1:
Chuyện về nhà thơ Nga nổi tiếng, đại văn hào Puskin thời đi học. Trong giờ kiểm tra chẳng biết thế nào mà cậu trò Puskin lại trả lời một câu trong bài làm là Mặt trời mọc ở đằng Tây. Đến giờ trả bài Thầy giáo gọi Puskin lên và hỏi tại sao trả lời sai như vậy. Một chút lúng túng cậu trò giỏi thơ mới trả lời:
- Thưa thầy, không phải em trả lời sai mà là em đang trả lời bằng thơ thì hết giờ ạ..
Thầy giáo ngạc nhiên:
- Trả lời bằng thơ thế nào.
- Thưa thầy, em làm thơ như thế này:
- Mặt trời mọc ở đằng Tây
Thiên hạ kháo nhau chuyện lạ này
Ngơ ngác nhìn nhau rồi tự hỏi
Thức dậy hay là ngủ tiếp đây...
Thầy giáo cười và chấp nhận câu trả lời của nhà thơ nổi tiếng tương lai...
Câu chuyện 2:
Có một cô bé vẽ giỏi nhất lớp, Cô giáo cử em đi vẽ tranh dự một cuộc thi của học sinh tiểu học tòan quốc ở Trung Quốc. Tranh dự thi sẽ được triển lãm ở Bắc Kinh.
Tranh của cô bé vượt qua mấy vòng lọai, được gửi lên Bắc kinh, cô giáo rất hồi hộp chờ kết quả chấm thi vòng cuối, nhưng cô nhận được thông báo của ban giám khảo là tranh của học trò cô đã bị lọai.
-" tiếc quá, tranh em ấy vẽ rất đẹp, nhưng bị lọai vì sai cơ bản, em ấy vẽ mặt trời mọc ở đằng Tây !"
xem ra Ban giám khảo có ý trách cô giáo đã quá sơ suất trong việc truyền đạt kiến thức cơ bản cho học trò..
Cô giáo ngã ngửa người ra, sao lại biết được là tranh vẽ mặt trời mọc ở đằng Tây, cô đến nhà cô bé kia và hỏi cho rõ hơn:
- Em vẽ mặt trời mọc ở đằng Tây hay đằng Đông ?
- Đằng Tây ! em có vẽ cả mũi tên phương bắc ở trên đầu tờ giấy mà....
- Em sao vậy, kiến thức địa lý đâu rồi
...
Cô bé lặng yên cúi đầu, không nói...
- Tranh của em không được treo ở Bắc kinh nữa..
Cô bé òa khóc nức nở.. Cô kể:
- Em không có bố từ nhỏ. Ngày bé hỏi mẹ, mẹ nói bố đi Bắc Kinh từ lâu rồi. "Mẹ ơi, khi nào bố về.?" - Bố đi xa lắm con ạ. Khi nào mặt trời chuyển sang mọc ở đằng Tây thì bố sẽ về với mẹ con ta.."
Lúc này thì đến lượt cô giáo òa khóc... Và cô quyết định lên Bắc Kinh gặp ngay Ban giám khảo
...
Bức tranh đoạt giải cao nhất trong cuộc thi là bức tranh vẽ một bé gái ngồi ngắm mặt trời lên, và mặt trời thì mọc ở đằng Tây, bất cứ ai cũng phải thấy thế vì tác giả bức tranh đã vẽ cả mũi tên chú thích thật rõ ràng điều đó...
......
Vậy đó, ai bảo là mặt trời không mọc được ở đằng Tây nào...
Vậy thì tại sao ta lại phải bi quan đến thế..
Còn bạn, bạn nghĩ thế nào. Bạn có đồng ý quan điểm với tôi không?